QUÊ HƯƠNG

0
617

“Quê hương là chùm khế ngọt, cho con trèo hái mỗi ngày”.

Đỗ Trung Quân đã viết về quê hương như vậy, mà sau này được phổ nhạc thành câu hát cũng rất hay. Chúng ta đều thấy đấy, người ta viết “cho con trèo hái mỗi ngày” chứ có ai viết là “cho con vun đắp mỗi ngày” bao giờ đâu.

Dù đi khắp năm châu bốn bể, mỗi khi khó khăn, mỗi khi mệt mỏi, cùng đường, chúng ta đều nhớ đến quê hương, nhớ đến gia đình như là một điểm tựa, để ta có thể cảm thấy bình an, nhẹ lòng ngồi xuống nghỉ ngơi và biết rằng sóng gió đã ở phía bên ngoài.

Quê hương cũng giống như cha mẹ già của chúng ta, người đang ở cái xóm làng mà ta chôn nhau cắt rốn. Ngày thường chúng ta lặn lội ngược xuôi, có lúc vinh quang hiển hách, có lúc thất bại tủi nhục, nhưng bất cứ khi nào muốn, cha mẹ đều chào đón chúng ta trở về, nằm trong lòng cha mẹ như thuở còn ấu thơ.

Quả thật, con cái khi trưởng thành thì chỉ có 2 lý do để về quê. Một là về thăm hỏi, mà những cuộc thăm hỏi, cỗ bàn ấy thường là chớp nhoáng, rồi chúng lại vội vã ra đi, có khi chẳng ngủ lại quê nhà lấy một đêm, chẳng kịp chào hỏi hết bà con, láng giềng. Hai là những khi sa cơ lỡ bước, khó khăn vây bủa. Và rồi cha mẹ lại bán vàng, bán đất, thu vén ruộng vườn để lo cho con cái. Con có thể bị người đời ruồng rẫy, nhưng về với mẹ chắc chắn vẫn không thiếu cái ăn cái mặc. Những lúc ấy, cha mẹ chúng ta nào có tính đếm, nào có kể công, nào có so bì chuyện đúng sai hoặc những lỗi lầm của chúng ta làm gì. Tấm lòng trời biển của đấng sinh thành, cũng như sự bao dung của đất mẹ.

Tâm tư về con cái là thế, mong con là thế, nhưng thực ra trong thâm tâm, cha mẹ mong chúng ta thành đạt, vinh quang, rời xa khỏi cha mẹ để có sự nghiệp, để phụng sự cho đời, hay cha mẹ mong chúng ta cùng đường bí lối, vất vả hoạn nạn để về với họ? Chắc hẳn cha mẹ nào cũng mong con cái mình vươn xa hơn, bay cao hơn và vì thế, cha mẹ bất chấp niềm thương nhớ, chỉ cần thỉnh thoảng được nghe tiếng nói, thấy mặt con và biết chúng vẫn khỏe mạnh là cha mẹ có thể an lòng. Về phần mình, cha mẹ chỉ gọi đến con khi thật cần, hoặc khi sắp sửa nằm xuống.

Chứ có cha mẹ yêu con nào lại hả hê khi con phải khó khăn, lại nỡ lòng chê bai hay chối bỏ, châm biếm những đứa con của mình lúc chúng quay về. Chúng ta, những người thân quyến cùng dòng máu với nhau, cũng nên học theo cha mẹ. Chúng ta vui mừng khi anh em mình thành công, rồi ta lại hân hoan lúc đón họ trở về. Hãy dang tay và nói với họ: “Đừng lo lắng nữa, các anh em đã về đến nhà rồi”.

Tất nhiên, cũng có lúc chúng ta thấy hơi phiền lòng về anh em của mình. Trời ơi sao đi miết rồi khi về thì rùm beng, mệt mỏi. Mình phải giết gà, đãi cơm, rồi lo chỗ ăn chỗ ngủ mà vẫn sợ người ta phật ý, chê bai chốn quê nghèo thiếu thốn. Chúng ta có thể nhân dịp này mà mỉa mai, rồi nói nặng nói nhẹ. Nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn, thực sự họ cũng chẳng đến vay mượn, xin xỏ ta cái gì cả, họ về với cha mẹ, về với ai yêu thương họ đấy chứ. Chỉ có tình nghĩa là vơi dần, và con người xa cách nhau thêm. Chi bằng chúng ta cho nhau những lời động viên, những cái nhìn thiện cảm và những lời chúc lành. Làm được thế, chúng ta mới xứng là người anh em, hàng xóm tốt, và mai này khi ra đi, họ mới càng nhớ về quê hương, càng yêu quê hương tha thiết.

Không phải ai đi xa quê cũng cậy tiền, cậy thế mà coi thường quê hương đâu. Cứ nhìn lượng người từ nước ngoài về quê ăn tết ở các sân bay, nhìn lượng kiều hối chuyển về trong nước hàng năm thì chúng ta sẽ thấy họ đang phấn đấu cũng một phần cho quê hương, cho gia đình, và quê hương vẫn thường ở trong trái tim họ. Thôi thì gặp khi khó khăn ở bên ngoài, về với nhau ta chén tạc chén thù, tranh thủ ôn chuyện cũ, nhớ tình xưa. Như thế vui mà 😀

Ngược lại, những lúc tai ương thế này, họ cũng sẽ thấy hết giá trị của mảnh đất quê hương. Một người con không thể gọi là trưởng thành nếu không biết ứng xử đúng với cha mẹ. Một người Việt cũng không thể gọi là thành công nếu không biết ứng xử đúng với Tổ quốc. Ai hồ đồ, ai ngộ nhận sẽ biết phải điều chỉnh lại, chúng ta chẳng nên vì một số ít mà nhìn nhận sai về cả một số đông, để rồi đánh mất nhau.

“Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”